Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt được gìn giữ và kế thừa qua hàng ngàn năm qua. Tết mang đến khởi đầu mới, đầy hy vọng và đón chờ ở phía trước đồng thời là dịp để ta trở về với vòng tay của gia đình sau một năm vất vả bên ngoài. Hãy cùng Bear tìm hiểu thêm về ngày lễ đặc biệt này trong bài viết dưới đây nhé!
Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Âm lịch, Tết cả, Tết ta) được coi là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Tết Nguyên Đán bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm âm lịch. Theo lịch âm, cứ 3 năm sẽ nhuận 1 tháng nên Tết ta thường sẽ muộn hơn so với Tết Dương lịch khoảng 1 đến 2 tháng.
Theo phiên âm Hán Việt thì “Tết” là tiết, “Nguyên” là sự khởi đầu và “đán” là buổi sáng sớm. Tết Nguyên Đán là buổi sớm đầu năm. Đây là ngày bắt đầu của một năm, một tháng, một mùa và một chu kỳ sản xuất mới nên nên mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Tết ta cũng là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của người Việt. Hầu như bất cứ ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho Tết như quần áo mới, diện mạo mới, trang hoàng nhà cửa với hoa đào, hoa mai nở rộ.
Ý nghĩa Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi người Việt. Đây là nét văn hóa truyền thống đã được gìn giữ và kế thừa qua biết bao thế hệ.
– Đánh dấu khởi đầu mới: Năm cũ trôi qua, năm mới bắt đầu, ai ai cũng sẽ tổng kết xem năm cũ mình đã làm được những gì và bắt tay vào chuẩn bị cho một năm mới chỉn chu, đầy đủ hơn. Đây là lý do tại sao lại có truyền thống người lớn trong gia đình làm mâm cơm cúng vào đêm giao thừa.
Mâm cơm cúng vừa là mâm cơm đầu tiên trong năm mới của gia đình, vừa là tấm lòng thành kính gửi tới ông Công, ông Táo, Thần Nông, Thổ địa, người thân đã khuất… Thông qua đó, con người sẽ cầu mong được phù hộ cho năm mới an khang thịnh vượng, làm ăn thuận lợi.
– Dịp để tưởng nhớ tổ tiên và người thân đã khuất: Truyền thống uống nước nhớ nguồn vẫn được người Việt gìn giữ qua bao thế hệ. Vào những ngày Tết, con cháu sẽ đặt lên bàn thờ mâm ngũ quả ngày Tết, bữa cơm cúng, vàng mã… để thể hiện tấm lòng biết ơn thành kính tới ông bà tổ tiên
– Dịp gia đình đoàn tụ: Trong tâm trí mỗi người, Tết là những buổi cả gia đình cùng sum họp, quây quần bên nhau trong những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Mọi người trò chuyện vui vẻ, gửi tới nhau câu chúc Tết hay đầy ý nghĩa tốt đẹp. Cho dù đi học, đi làm xa nhà thì cứ đến Tết, hầu như ai cũng trở về với tổ ấm của mình để đoàn tụ cùng ông bà, cha mẹ, con cái…
– Dịp để yêu thương, hiếu thuận: Vào dịp Tết, ông bà, cha mẹ sẽ tặng cho con cháu những bao lì xì đỏ thắm cùng lời chúc năm mới tốt đẹp. Trong khi đó, con cháu lại gửi tới người mình thương yêu những món quà tặng Tết tinh tế, ý nghĩa thiết thực để thể hiện tâm lòng hiếu thuận, chân thành.
– Dịp trả lễ thần linh: Theo quan niệm của người Việt, những thành tựu mà ta đạt được trong năm vừa qua cũng nhờ một phần nào vào sự giúp đỡ, phù hộ độ trì của thần linh. Do đó, vào dịp Tết Nguyên Đán, ta nên tổ chức lễ cúng để trả ơn thần linh. Đó là lý do tại sao người nông dân sau một mùa thu hoạch bội thu thường tổ chức lễ cúng tạ Thần Nông.
Bao nhiêu ngày nữa đến Tết Nguyên Đán 2024
Nhiều người thắc mắc rằng Tết Nguyên Đán 2024 vào ngày nào? Theo lịch vạn niên, mùng 1 Tết Giáp Thìn vào thứ 7, ngày 10/02/2024. Như vậy, tính từ hôm nay ngày 22/12/2023 thì còn 50 ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán năm 2024 và còn 10 ngày nữa sẽ đến Tết Dương lịch năm 2024. Như vậy, chỉ cần ít ngày nữa là sẽ đến Tết, bạn hãy chuẩn bị để trang hoàng lại nhà cửa và mua sắm cho gia đình.
Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2024
Theo thông báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ Tết Nguyên Đán 2024 từ thứ 5 ngày 08/02/2024 dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ 4 ngày 14/02/2024 dương lịch (tức mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Đợt nghỉ này gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán và 2 ngày bù ngày nghỉ cuối tuần theo quy định của luật Lao động. Bạn có thể sắp xếp công việc để đặt vé sớm nhất về quê hoặc chuẩn bị cho chuyến du lịch của mình.
Món ăn truyền thống Tết Nguyên Đán 3 miền
Mâm cỗ ngày Tết của người Việt thường được rất thịnh soạn và đầy đủ, thể hiện sự ấm no, thịnh vượng cùng mong muốn năm mới đủ đầy, hạnh phúc. Dưới đây là những món ngon truyền thống trong Tết Nguyên Đán của 3 miền Bắc Trung Nam.
Các món ăn ngày Tết ở miền Bắc
Người Hà Nội xưa thường hay chăm chút về mặt hình thức nên mâm cỗ ngày Tết cần chuẩn bị thật cẩn thận và đẹp mắt. Một mâm cơm lớn thì bắt buộc phải có 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa, ngụ ý cầu cho phát tài, phát lộc. Đến nay, các món ăn ngày Tết ở miền Bắc vẫn lưu giữ vẹn nguyên nét tinh hoa ẩm thực cổ truyền của Việt Nam.
– Bánh chưng: Bánh chưng là món ăn truyền thống mà gia đình Việt nào cũng có mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Món bánh này được coi như biểu tượng của nền văn minh lúa nước, được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn, thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất đã ban cho mùa màng bội thu. Ngoài ra, bánh chưng còn được dùng để cúng gia tiên và làm quà biếu người thân vào dịp Tết.
– Xôi gấc: Xôi gấc cũng là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Gạo nếp được trộn với gấc đỏ tươi rồi cho vào nồi hấp đồ chín. Xôi có màu đỏ tươi mang ý nghĩa may mắn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị vô cùng thơm ngon, hạt xôi dẻo thêm chút béo của nước cốt dừa và chút ngọt của đường.
– Gà luộc: Gà luộc là món ăn truyền thống trong mâm cúng Giao thừa của người Việt. Đĩa gà luộc nguyên con vàng ươm được dâng lên tổ tiên mang ý nghĩa cầu cho một năm mới tốt lành và suôn sẻ.
– Thịt đông: Thịt đông là một món ăn đặc trưng của người miền Bắc rất phù hợp với thời tiết mùa đông và mùa xuân. Nếu các món ăn khác thường mang sự ấm nóng thì thịt đông lại ăn lạnh nên sẽ mang hương vị rất đặc biệt.
Nguyên liệu chính của thịt đông thường gồm tai, bì, chân giò nấm hương, mộc nhĩ và hành khô. Sau khi nấu xong, các nguyên liệu sẽ được cho vào khuôn, sau đó bỏ vào tủ lạnh để đông lại. Khi thịt đông, trên bề mặt sẽ xuất hiện một lớp mỡ có màu trắng mịn như tuyết..
– Giò xào: Giò xào có thành phần chính là thịt thủ, lưỡi, tai, mộc nhĩ, muối, hạt tiêu… xào chín rồi gói và nén chặt lại. Món ăn này có hương vị vô cùng thơm ngon nhưng không gây ngán nên rất thích hợp để ăn vào dịp Tết.
– Dưa hành: Người Việt ta có câu “Thịt mỡ dưa hành cây đối đỏ / Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Cùng với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành cũng là món ăn cổ truyền của dân tộc ta trong ngày Tết. Với vị chua và hăng nhẹ, món này thường được ăn kèm với bánh chưng hay thịt đông, thịt kho, chống ngán vô cùng hiệu quả.
Các món ăn ngày Tết ở miền Trung
– Bánh tét: Nếu miền Bắc có bánh chưng, miền Trung lại có bánh tết trong những ngày Tết. Khác với bánh chưng được gói bằng lá dong, bánh tét sẽ được gói bằng lá chuối. Bánh tét có 2 loại là ngọt và mặn, nhân bánh ngọt là đậu xanh, còn nhân bánh mặn thì có thêm thịt heo. Bánh được gói thành từng đòn hình trụ. Mặc dù cách chế biến đơn giản, nhưng bánh tét lại rất hương vị thơm ngon vô cùng.
– Thịt muối: Ngày Tết, người miền Trung thường làm món thịt muối. Thịt heo hoặc thịt bò sau khi được rửa sạch sẽ được ngâm trong nước mắm đường đã được nấu sẵn cùng tỏi và ớt. Sau khoảng 1 tuần, thịt sẽ ngấm gia vị và có thể thưởng thức. Món ăn này có vị mặn ngọt vừa phải, có thể ăn kèm cơm nóng hoặc cuốn với bánh tráng, bún, rau sống đều rất ngon.
– Nem chua: Nem chua cũng là một món ăn phổ biến người miền Trung thường dùng để chiêu đãi khách. Món này được làm từ thịt heo được tẩm ướp với gia vị, sau đó gói trong lá ổi hoặc lá chùm ruột và để sau vài ngày là có thể thưởng thức. Vị của nem giòn giòn, chua chua, cay cay vừa phải và rất thơm mùi tỏi, có thể ăn trực tiếp hoặc nướng đều rất ngon.
– Dưa món: Nếu Miền Bắc có dưa hành trong mâm cỗ đầu xuân thì miền Trung lại có món dưa món. Củ cải, dưa leo, cà rốt, củ kiệu, su hào, hành tím… được rửa sạch, cắt, phơi khô và ngâm trong nước mắm đường đã nấu sẵn. Sau 2-3 ngày, các loại rau củ sẽ ngấm gia vị và có thể thưởng thức. Dưa món giòn tan, mặn ngọt vừa phải, là món ăn kèm thích hợp để ăn chung với bánh tét.
Các món ăn ngày Tết ở miền Nam
– Bánh tét: Bánh tét miền Nam có nhiều nguyên liệu đa dạng hơn so với miền Trung, ngoài thịt và đậu xanh còn có như lạp xưởng, trứng muối… Bánh tét nhân ngọt cũng có nhiều phiên bản như bánh nhân đậu xanh, nhân đậu đỏ và nhân chuối…
– Thịt kho nước dừa: Trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam không thể thiếu món thịt kho nước dừa hay còn được biết đến với tên gọi khác là thịt kho tàu. Người ta thường kho một nồi thịt to để ăn dần trong những ngày đầu năm. Đặc biệt, món này kho càng lâu thì thịt lại càng thấm, ăn càng ngon và càng đậm đà. Bạn có thể ăn thịt kho nước dừa kèm với dưa giá để tránh gây ngấy.
– Dưa giá: Dưa giá có vị giòn, mát nên được nhiều người Nam ưa chuộng và thường được ăn để chống ngán trong dịp Tết. Dưa giá có thể ăn chung với cơm hoặc cuốn với bánh tráng, đặc biệt ngon hơn khi ăn kèm với thịt kho nước dừa. Nguyên liệu chính của món này gồm giá, cà rốt, hẹ đều là những loại rau củ tốt cho sức khỏe.
– Lạp xưởng: Lạp xưởng cũng là một trong những món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của gia đình người Nam trong dịp Tết. Lạp xưởng có nhiều loại như loại khô, tươi, tôm, cá, nạc… Bạn có thể chiên, nướng hoặc luộc lạp xưởng tùy theo ý thích. Đặc biệt, chiên lạp xưởng bằng nước vừa an toàn lại vừa ngon và tốt cho sức khỏe nên được rất nhiều người ưa chuộng.
– Canh khổ qua nhồi thịt: Không chỉ là một món ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân miền Nam, canh khổ qua nhồi thịt cũng được ưa chuộng trong dịp Tết. Món canh này mang ý nghĩa mong muốn cho những khó khăn sẽ qua đi và may mắn, thành công sẽ đến trong năm mới. Ngoài ra, món canh này cũng rất bổ dưỡng và có công dụng giải nhiệt tốt.
Thời tiết Tết Nguyên Đán 2024
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo rằng thời tiết Tết Nguyên Đán 2024 sẽ lạnh ở khu vực miền Bắc và miền Trung, nắng ráo ở miền Nam.
– Miền Bắc: Dự báo thời tiết Tết Nguyên Đán 2024 miền Bắc khá ổn định. Ngày 30 Tết và mùng Tết khá lạnh từ 12 – 18 độ C, trời mưa nhẹ. Mùng 2 nhiệt độ từ 13 – 19 độ, trời khô ráo. Từ mùng 3 Tết trở về sau thì trời sẽ ấm hơn.
– Miền Trung: Dự báo thời tiết Tết Nguyên Đán 2024 miền Trung sẽ có mưa và lạnh hơn so với năm 2023. Nhiệt độ trung bình nằm trong khoảng 17 – 26 độ C.
– Miền Nam: Dự báo thời tiết Tết Nguyên Đán 2023 miền Nam sẽ khá đẹp, trời mát mẻ, nắng nhẹ, nhiệt độ dao động từ 23 – 32 độ C. Tuy nhiên, trời có thể xuất hiện bất chợt một vài cơn mưa trái mùa vào chiều tối nhưng không lớn.
Ảnh Tết Nguyên Đán
Dưới đây là một số ảnh Tết Nguyên Đán đẹp, ý nghĩa nhất bạn có thể tham khảo.
Tết Nguyên Đán là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta, hãy luôn giữ gìn, trân trọng và phát huy truyền thống này. Sắp đến Tết, bạn đừng quên sắm sửa cho bản thân, cho gia đình và trang hoàng cho nhà cửa để đón năm mới đầy hy vọng nhé!